“Ai ơi mồng 9 tháng tư
Không đi Hội Gióng cũng hư mất đời”
(Ca dao)
Hội Gióng là một hội trận, là một lễ diễn xướng anh hùng ca lịch sử phản ánh cuộc chiến đấu của nhân dân ta với giặc Ân xâm lược.
Nhiều nghi lễ được diễn ra như rước nước, rước kiệu thờ, làng áo đỏ, làng áo đen, ba ván thuận, ba ván nghịch và cuối cùng là sự đầu hàng của các tướng giặc Ân, đất nước trở lại hòa bình. Tham gia lễ hội là hàng ngàn dân địa phương và các vùng xung quanh, nhưng chỉ có một số người đóng vai chính đã được phân công chuẩn bị từ trước.
Bên ta có 6 ông hiệu, tượng trưng cho tướng của Gióng, trong đó có Hiệu Cờ, tượng trưng cho Gióng là nhân vật chủ chốt. 12 quân phò giá (hay hộ vệ) và 120 quân phò giá ngoại, chia làm 8 đạo, mỗi đạo 15 người. Đội quân thám sát và vận lương gồm 30 người, có một người chỉ huy.
Bên “địch” có 28 nữ tướng, là những bé gái tuổi chừng 12 – 13. Tất cả các quân tướng đều lấy ở 4 thôn Phù Dực, Phù Đổng, Đổng Viên, Đổng Xuyên. Những người này phải tập dượt hàng tháng trời trước khi diễn ra lễ hội. Ngoài ra còn có phường Tùng Choặc của làng Hội Xá giúp vui bằng điệu múa Ải Lao.
Theo truyền thuyết thì Thánh Gióng đánh giặc Ân chỉ một trận cho đến khi giặc tan, không ngưng nghỉ. Tuy nhiên, khi diễn ra hội trận ở Hội Gióng thì lại phải đánh đến 2 trận với 3 ván thuận, 3 ván nghịch. Xong 3 ván thuận thì đoàn quân lại kéo về sở chỉ huy (đóng ở đền Thượng) nghỉ ngơi rồi mới hành quân đánh tiếp. Hai trận đánh diễn ra ở 2 địa điểm khác nhau là Đống Đàm và Soi Bia.
Ở Đống Đàm, cách đền Thượng khoảng 2km, trên một bãi trống người ta đã trải sẵn 3 chiếc chiếu. Trên mỗi chiếc chiếu để sẵn một tờ giấy trắng. Một chiếc bát úp lên tờ giấy trắng đó. Người Hiệu Cờ (tượng trưng cho Gióng) lần lượt bước vào mỗi chiếu, dùng chân phải đá hất chiếc bát ra khỏi chiếu cho tờ giấy bay tung ra.
Sau đó người này quỳ gối phải xuống chiếu, chân trái gập thành hình thước thợ, phất mạnh cờ từ phải sang trái 3 vòng rồi bổ thẳng xuống chiếu. Lần lượt ở chiếu thứ 2 và thứ 3 đều như thế. Dân gian gọi là 3 ván thuận.
Xong ở Đống Đàm, đoàn quân kéo về đền Thượng nghỉ ngơi, sau đó lại tiếp tục hành quân ra Soi Bia. Ở Soi Bia, sự việc cũng diễn ra như thế, chỉ có khác là cờ được phất từ trái sang phải, gọi là 3 ván nghịch. Phải đủ 3 ván thuận 3 ván nghịch mới thắng lợi trọn vẹn. Những chiếc chiếu, sau khi kết thúc “trận đánh” (tạm gọi như thế) đều bị những người dân đi hội giằng xé tan nát, mỗi người lấy một mảnh để lấy khước.
Hội Gióng được diễn ra vào ngày 9/4 âm lịch hằng năm, là một lễ hội cổ truyền, được bảo tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác, đây là một cuộc diễn xướng lịch sử có
quy mô hoành tráng bậc nhất trong các lễ hội cổ truyền của dân tộc ta, ghi lại sự tích chiến thắng giặc ngoại xâm của tổ tiên ta trong buổi bình minh của lịch sử.
Là một hội trận, nhưng không hề có gươm đao, tất cả chỉ là biểu tượng, là các điệu múa cách điệu. Vì vậy, Hội Gióng vừa thể hiện tinh thần chống giặc ngoại xâm, nhưng lại thể hiện khát vọng hòa bình, quốc thái dân an của dân tộc ta. Với ý nghĩa đó, ngày 16/11/2010, Hội Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.