Tổng quan

Về văn học dân gian tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Là cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ, lại giáp biển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hội tụ nhiều nền văn hoá khác nhau. Có lẽ vì thế mà đã từ lâu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ chứa đựng biết bao di sản văn hoá về các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội vô cùng phong phú mà còn là một kho tàng văn học dân gian đa dạng, rất cần được quan tâm, tìm hiểu.

Đặc trưng

Của  văn học dân gian tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Văn học dân gian tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mang những đặc trưng của văn học dân gian nói chung là tính truyền miệng, tính tập thể và sự gắn bó với các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng. Ba đặc trưng này làm nên sự khác biệt giữa văn học dân gian so với văn học viết về sự sáng tạo, phương thức lưu truyền và ý nghĩa đối với đời sống.

Ngoài các đặc trưng trên, xét tương quan với văn học dân gian của các địa phương khác, văn học dân gian tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn có những nét đặc trưng sau

1. Kết hợp, hoà trộn giữa văn học dân gian của nhiều vùng, miền

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là cửa ngõ phía đông của vùng Đông Nam Bộ. Vì thế, vùng đất này vừa mang những đặc trưng văn hoá Nam Bộ vừa mang dấu ấn của các vùng văn hoá khác. Cùng với quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của các chúa Nguyễn, văn hoá Bắc Bộ, Trung Bộ đã xâm nhập vào vùng đất này. Trong thời kì thuộc địa, nơi đây còn chịu ảnh hưởng ít nhiều từ văn hoá phương Tây. Tất cả những điều này là cơ sở khiến cho văn học dân gian của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không thuần nhất mà có sự kết hợp, ảnh hưởng từ nhiều vùng, miền khác nhau.

Đặc điểm này được thể hiện rõ nhất ở ca dao – dân ca. Diện mạo ngôn ngữ ca dao – dân ca Nam Bộ nói chung và ca dao – dân ca tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng được tạo nên bởi “một quá trình hội tụ, phát huy những truyền thống của ngôn ngữ ca dao – dân ca dân tộc mà cha ông từ miền ngoài mang vào, đồng thời là quá trình sáng tạo liên tục trước những đòi hỏi của cuộc sống ở mọi hoàn cảnh, mọi mục đích giao tiếp”. Ca dao – dân ca tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bên cạnh vốn từ đã trở nên quen thuộc, gần gũi, còn xuất hiện các từ chỉ địa danh gắn liền với vùng đất phương Nam:

– Đường về đất đỏ miền Đông
Cao su bao lá hận lòng bấy nhiêu.

– Bao giờ Bưng Bạc hết sình,
Bàu Thành hết nước, hai đứa mình xa nhau.

(Nguồn: baobariavungtau.com.vn)

2. Phản ánh hành trình của những người khai hoang, mở cõi

Bà Rịa (vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu) xưa được người Việt vào khai phá từ đầu thế kỉ XVII, gắn liền với công cuộc mở rộng bờ cõi về phía Nam của các chúa Nguyễn. Trước khi trở thành một vùng đất phì nhiêu, màu mỡ và đông đúc như ngày nay, nơi đây rất hoang vu, rậm rạp, ít người sinh sống. Có lẽ vì vậy, ai cũng có cảm giác e ngại mỗi khi đặt chân đến đây. Điều này được phản ánh rất rõ trong ca dao xưa:

Anh đi Tam Thắng xây đồn,
Sú hoang mấy bãi, cát cồn mấy doi
Đất đầy dấu hổ, chân voi
Biển sâu mấy khúc mõ chòi điểm canh.

(Theo Đào Việt Hùng – Lương Minh Chung, Tài liệu dạy – học Ngữ văn địa phương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Sử dụng trong các trường Trung học cơ sở), NXB Giáo dục Việt Nam, 2010)

Các truyền thuyết, truyện cổ tích được lưu truyền ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phản ánh rất rõ công cuộc khai phá, chinh phục vùng đất này của các thế hệ đi trước. Các truyện cổ như: Eo ông Từ, Sự tích thần trừ thú dữ đất Long Điền kể lại công cuộc diệt trừ thú dữ, đem lại bình yên cho vùng đất mới này. Sự tích Hòn Cau, Hòn Trầu giải thích sự ra đời những hòn đảo ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhìn chung, các truyện cổ này đều mang âm hưởng là ca ngợi, ghi công những con người có công khai phá vùng đất này.

Thể loại

Một số thể loại văn học dân gian tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

1. Thần thoại

Thần thoại là thể loại tự sự dân gian dùng để kể lại sự tích các vị thần sáng tạo ra thế giới tự nhiên và văn hoá, phản ánh nhận thức của con người thời cổ đại về nguồn gốc của thế giới và đời sống con người.

Ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu song song tồn tại các thần thoại của người Việt và người dân tộc thiểu số. Người Chơ Ro – một tộc người thiểu số ở Bà Rịa – Vũng Tàu có các truyện thần thoại rất đặc sắc như: Sự tích của đảo, Sự tích sông Ray, Sự tích núi Nhang,… Đa số các truyện thần thoại này đều nhằm giải thích về sự ra đời các địa danh ở địa phương và phản ánh nhận thức về tự nhiên, đời sống người Chơ Ro.

2. Truyền thuyết

Truyền thuyết là thể loại gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong cảnh hay sự vật của địa phương theo quan điểm của nhân dân. Truyền thuyết cũng sử dụng các yếu tố kì ảo như cổ tích và thần thoại.

Ngày nay, ở Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết đặc sắc như: Ẹo ông Từ, Sự tích thần trừ thú dữ đất Long Điền, Truyền thuyết về người Chơ Ro, Người ăn mây trời, Con gà trắng, Người hoá voi,…

3. Truyện cổ tích

Truyện cổ tích là một thể loại tự sự dân gian có hư cấu, bao gồm: cổ tích thần kì, cổ tích thế sự, cổ tích phiêu lưu và cổ tích loài vật.

Truyện cổ tích được lưu truyền ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất đa dạng, gồm truyện cổ tích của người Việt và người dân tộc thiểu số. Một số truyện cổ tích đáng chú ý như: Chàng Lác, Chàng Katiêng và con quỷ, Hai anh em,

4. Tục ngữ

  • Tục ngữ không chỉ phản ánh đặc trưng văn hoá của mỗi vùng, miền mà còn chứa đựng kho tàng kinh nghiệm vô cùng quý giá mà nhân dân nhận thức được.
  • Sống dựa vào biển, người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất quan tâm đến thời tiết. Điều này được thể hiện trong nhiều câu tục ngữ:

Tháng Giêng giâm mai cũng tốt.
Tháng Ba bà già đi biển.
Tháng Giêng nắng dài Tháng Hai giông tố Tháng Ba nồm rộ Tháng Tư nồm non
Mây đầu núi thì tạnh Mây cạnh biển thì mưa.

  • (Đào Việt Hùng – Lương Minh Chung, Tài liệu dạy – học Ngữ văn địa phương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Sử dụng trong các trường Trung học cơ sở), NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, tr. 29).
  • Nhiều sản vật độc đáo, đặc sắc ở Bà Rịa –Vũng Tàu cũng được nhắc đến trong các câu tục ngữ:

Cơm Nai Rịa, cá Rí Rang.
Rượu Hoà Long ai đong nấy uống.
Cá Hội Bài, chuối xoài Long Phước.
Đầu cá gáy, cháy cơm nếp.

(Đào Việt Hùng – Lương Minh Chung, sđd, tr. 30).

5. Ca dao

Ca dao là một trong những thể loại được dùng để thể hiện tình cảm, cảm xúc.

Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng đất mới, cảnh vật lúc đầu còn hoang vắng, buồn bã. Khi đặt chân đến đây, nhiều người không khỏi có một chút lo lắng, hoang mang. Càng lo lắng, họ lại càng chạnh lòng nhớ quê:

Anh đi Tam Thắng xây đồn
Sú hoang mấy bãi, cát cồn mấy doi
Đất đầy dấu hổ, chân voi
Biển sâu mấy khúc, mõ chòi điểm canh
Ai về Gia Định quê mình
Nhắn cây có trái thì anh đón nàng.

(Đào Việt Hùng – Lương Minh Chung, sđd, tr. 30).

Ca dao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn thể hiện niềm cảm thương cho những người lao động bị chủ đồn điền bóc lột:

Cao su đi dễ khó về
Khi đi trai tráng khi về bủng beo.
Cao su xanh tốt lạ đời
Mỗi cây bón một xác người công nhân
Hận thù trời đất khôn cầm
Càng tươi dòng máu, càng bầm ruột gan.

(Đào Việt Hùng – Lương Minh Chung, sđd, tr. 30)

Một số bài cao dao khác còn thể hiện tình cảm gắn bó, thuỷ chung, trước sau như một:

Bao giờ Bưng Bạc hết sình,
Bàu Thành hết nước, thì mình hết thương.

(Theo Điều ít biết về hồ nước Bàu Thành ngàn năm tuổi, kì 1, baobariavungtau.com.vn, ngày 5/1/2020).

6. Trò diễn dân gian

Trò diễn dân gian là nghi thức, nghi lễ gắn liền với các lễ hội. Nó được hình thành trong quá trình lao động, sản xuất, có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng. Vì tính chất “thiêng” nên trò diễn dân gian có những quy định rất chặt chẽ mà người tham gia phải tuân theo.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là vùng đất giáp biển. Nhiều lễ hội ở đây gắn liền với biển như: lễ hội Nghinh Cô (tưởng nhớ những người tử nạn trên biển), lễ hội Nghinh Ông (tưởng nhớ cá Voi – loài cá thiêng, luôn cứu giúp những người đi biển). Trong các lễ hội này, không thể thiếu được một trò diễn dân gian rất đặc sắc: hát Bả trạo. Hát Bả trạo còn được gọi là chèo Bả trạo, chèo Đưa linh, hò Hầu linh, hò Đưa linh,… vốn là một loại hình nghệ thuật dân gian có yếu tố tâm linh của cư dân ven biển miền Trung, du nhập vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và được ngư dân nơi đây đón nhận.

Trong lễ hội Nghinh Cô hay Nghinh Ông, hát Bả trạo được dùng để thể hiện sự biết ơn thần linh đã phù trợ cho ngư dân gặp may mắn, có những chuyến đi

biển an toàn: Lúc sinh tiền Ngài trú ngụ đại dương Khi tử hậu kí thân nơi lục địa Người ngư nghiệp đền ơn đáp nghĩa Lúc hành thuyền, Ngài cải tử hoàn sinh. (Trích lời hát Bả trạo)

7. Vè

Vè là một dạng báo nói do dân gian sáng tác và truyền tụng rộng rãi nhằm phản ánh kịp thời các sự kiện trong cuộc sống hằng ngày trong xóm, ấp, địa phương, dân tộc. Nó cũng là những tri thức dân gian về tự nhiên, về đạo lí được bắt vần để đưa về các khuôn dạng ổn định, dễ thuộc, dễ nhớ

Ảnh hưởng

Ảnh hưởng của văn học dân gian đến sự phát triển của văn học viết ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

1. Ảnh hưởng về đề tài, nội dung

Văn học dân gian tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ thể hiện quan niệm, đạo đức của nhân dân lao động, của các dân tộc sinh sống trên vùng đất này mà còn chứa đựng những kinh nghiệm, hiểu biết về tự nhiên và xã hội vô cùng phong phú. Vì thế, văn học dân gian nói riêng và văn hoá dân gian nói chung có sự ảnh hưởng đến nhiều phương diện khác nhau của đời sống hiện đại.

Văn học dân gian tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đặt ra nhiều đề tài có sức hấp dẫn và văn học viết có thể tiếp nối như: thiên nhiên, con người, lịch sử,… Những nội dung gắn với các đề tài này gồm: ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, tự hào về truyền thống của cha ông – những người đã bỏ biết bao mồ hôi, công sức để khai phá vùng đất mới; đồng cảm với thân phận của con người,… cũng là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ, nhà văn tiếp tục sáng tác nên nhiều tác phẩm có giá trị.

2. Ảnh hưởng về hình thức

Văn học dân gian tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ thể loại trữ tình dân gian cho đến tự sự rất đa dạng về hình thức biểu đạt. Ở thể loại trữ tình, nhất là ca dao – dân ca, có sự kết hợp giữa tính chuẩn mực, trau chuốt của ngôn ngữ miền ngoài với sự mộc mạc, giản dị trong cách nói, cách nghĩ của người miền Nam nên rất dễ đi vào lòng người.

Các truyền thuyết, truyện cổ tích với nhiều mô típ độc đáo kết hợp với yếu tố hoang đường, kì ảo có sức hấp dẫn rất lớn. Đó là những cơ sở rất quan trọng để các nhà văn, nhà thơ vận dụng vào quá trình sáng tác của mình.

Tại Côn Đảo

Một số nét về văn học dân gian Côn Đảo

Côn Đảo là một huyện đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ nằm ở vùng biển phía đông nam của nước ta. Đây là nơi chứa đựng những giá trị văn hoá, lịch sử vô cùng to lớn. Trong đó, các truyền thuyết, cổ tích, ca dao về Côn Đảo đã góp phần làm nên sức hấp dẫn riêng cho địa danh nổi tiếng nà

1. Truyền thuyết, cổ tích

Các truyện cổ tích, truyền thuyết về Côn Đảo còn lưu truyền đến ngày nay chủ yếu lí giải sự hình thành các địa danh ở Côn Đảo như: Hòn Cau, bãi Đầm Trầu, Hòn Trác, Hòn Tài hoặc đề cập đến các nhân vật lịch sử: bà Phi Yến,…

Các tác phẩm văn học dân gian này còn phản ánh tình cảnh éo le, bất hạnh của người dân nơi đây. Chẳng hạn, nam nữ yêu nhau mà không lấy được nhau, phải bỏ xứ mà đi (Sự tích Hòn Cau và bãi Đầm Trầu); hai anh em sinh đôi phải chia lìa, mỗi người ở một nơi (Sự tích Hòn Trác, Hòn Tài); bà Phi Yến sống cô đơn, vò võ một mình với nhiều nỗi niềm đắng cay, uất hận (Truyền thuyết về bà Phi Yến).

Tuy nhiên, con người hiện lên qua các truyện cổ tích, truyền thuyết về Côn Đảo đa số đều mang vẻ đẹp nhân hậu, giàu lòng nhân ái, ít có những mâu thuẫn, xung đột gay gắt. Điều này làm cho các tác phẩm có giá trị nhân văn rất lớn. Về mặt nghệ thuật, các truyền thuyết, truyện cổ tích về Côn Đảo thường có cốt truyện đơn giản, không có nhiều yếu tố kì ảo nên có nét gần gũi với tác phẩm văn xuôi hiện đại.

2. Ca dao Văn học dân gian

Bà Rịa – Vũng Tàu có một số bài ca dao về Côn Đảo:

Đi đâu mà chẳng thấy về
Hay là quần tía tựa kề áo nâu
Ai về nhắn với Ông Câu
Hòn Cau cách bãi Đầm Trầu bao xa.

(Theo Huỳnh Ngọc Trảng – Phạm Thiếu Hương (biên soạn), Tổng tập văn học dân gian Nam Bộ, quyển 2, NXB Văn hoá – Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2020)

– Ai sang Hòn Trác, Hòn Tài
Cho em nhắn gửi một vài câu thơ
Đêm sương gió lặng, sao mờ
Trăng khuya chếch bóng vẫn chờ đợi mây

– Chừng nào núi Chúa hết cây
Côn Lôn hết đá, dạ này hết thương.

(Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu)

Trong những bài ca dao này, các địa danh và sự kiện ở Côn Đảo chính là nguồn cảm hứng để bộc lộ cảm xúc, thái độ của tác giả dân gian. Họ không chỉ đồng cảm với số phận, nỗi niềm của thân phận con người trên biển đảo xa xôi mà còn gửi gắm những tâm sự, ước mong của mình

Truyện cổ dân gian

Truyện cổ dân gian tại Bà Rịa Vũng Tàu

Truyện kể dân gian là tên gọi chung của nhiều thể loại truyện dân gian như thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười.

Trong loại hình tự sự truyện kể dân gian của tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu, truyền thuyết và truyện cổ tích là hai loại hình chiếm số lượng lớn nhất và mang đậm dấu ấn địa phương hơn cả. Mỗi truyện kể gắn liền với việc giải thích về phong tục, tín ngưỡng cư dân ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, về nguồn gốc, sự tích ra đời của một số địa danh; gắn liền với việc phản ánh hiện thực mở đất về phía Nam, hoà trộn văn hoá, đấu tranh xã hội cũng như đời sống tâm tư, tình cảm của người dân địa phương.

Lồng kết trong mỗi truyện kể là những bài học có giá trị sâu sắc về đạo lí làm người, cho thấy nét đẹp của tính cách nghĩa khí, hào sảng, trọng tình của con người ở vùng đất phương Nam.