Thần thoại

Giới thiệu về thể loại thần thoại

1. Khái niệm

Truyện thần thoại là thể loại truyện ra đời và phát triển sớm nhất trong lịch sử truyện cổ dân gian, đó là những truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hoá, nhằm phản ánh và lí giải quan niệm về vũ trụ và khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên của con người thời nguyên thuỷ.

Căn cứ vào chủ đề, có thể chia thần thoại thành hai nhóm:

  • Thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài (thần thoại suy nguyên)
  • Thần thoại kể về cuộc chinh phục thiên nhiên và sáng tạo văn hoá (thần thoại sáng tạo)

Thần thoại được hình thành từ ba nguồn chủ yếu: từ mâu thuẫn giữa khát vọng giải thích tự nhiên với sự hiểu biết còn hạn chế về tự nhiên của người xưa; từ khát vọng vươn lên chiếm lĩnh, chinh phục tự nhiên của con người và từ khát vọng giải thích các mối quan hệ mới nảy sinh ngày càng đa dạng giữa cá nhân với các nhân, cá nhân với cộng đồng.

2. Đặc trưng

  • Thần thoại thể hiện quan niệm của người xưa về vũ trụ thông qua nhân vật Thần: đó là quan niệm về ba tầng vũ trụ và bốn thế giới: trên có Trời (Thiên đình), giữa có Con người (Trần gian), dưới có Đất (Âm phủ), Trần gian lại chia thành Nhân gian và Thuỷ phủ. Các tầng vũ trụ đều thông tỏ với nhau, ảnh hưởng lẫn
  • Thần thoại còn thể hiện thái độ tôn sùng tự nhiên của người xưa qua quan niệm về vật tổ. Ví dụ: Người Việt thờ chim Lạc và Rồng, người Thái thờ Chim, người Mường thờ Hươu Sao…
  • Thần thoại gắn chặt với các hình thức nghi lễ. Người ta thường diễn xướng thần thoại bằng các nghi lễ cúng tế.

3. Nội dung

  • Thần thoại là phương tiện giải thích nguồn gốc tự nhiên.
  • Thần thoại phản ánh ước mơ sống hoà hợp với tự nhiên và chinh phục tự nhiên của người xưa.
  • Thần thoại giải thích nguồn gốc loài người và muôn loài.
  • Ra đời trong “tuổi ấu thơ” của loài người nên thần thoại mang tính nguyên hợp: chứa đựng các yếu tố nghệ thuật, tôn giáo, triết học, lịch sử, … Vì vậy, thần thoại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lưu giữ di sản văn hoá nguyên thuỷ của cộng đồng. 
  • Thần thoại thường có cốt truyện đơn giản: có thể là cốt truyện đơn tuyến, tập trung vào một nhân vật hoặc là một tổ hợp nhiều cốt truyện đơn (tạo thành một “hệ thần thoại”). Nhân vật chính của thần thoại là các vị thần, hoặc những con người có nguồn gốc thần linh, có năng lực siêu nhiên nên có thể được miêu tả với hình dạng khổng lồ, hoặc với sức mạnh phi thường…
  • Chức năng của nhân vật trong thần thoại là cắt nghĩa, lí giải các hiện tượng tự nhiên và đời sống xã hội, thể hiện niềm tin của con người cổ sơ cũng như những khát vọng tinh thần có ý nghĩa lâu dài của nhân loại. Câu chuyện trong thần thoại gắn liền với thời gian phiếm chỉ, mang tính ước lệ và không gian vũ trụ với nhiều cõi khác nhau. Lối tư duy hồn nhiên, chất phác, trí tưởng tượng bay bổng, lãng mạn đã làm nên sức cuốn hút và sức sống lâu bền cho thần thoại.

Truyền thuyết

Giới thiệu về thể loại Truyền thuyết

1. Khái niệm

Truyền thuyết là thể loại truyện kể dân gian, thường kể về sự kiện, nhân vật lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử.

2. Đặc trưng cơ bản

Truyền thuyết thể hiện nhận thức, tình cảm của tác giả dân gian đối với nhân vật, sự kiện lịch sử.

Đặc điểm của truyền thuyết được thể hiện qua cách xây dựng nhân vật, cốt truyện, sử dụng yếu tố kì ảo, lời kể…

Đề tài thường lấy từ lịch sử, những vấn đề có ý nghĩa trọng đại.

Sử dụng các yếu tố tưởng tượng, hư cấu.

Nhân vật thường được xây dựng đơn giản, có sự kết hợp kì lạ giữa những nét đời thường, thế tục với những nét phi thường, kì ảo.

Nhân vật truyền thuyết có các đặc điểm:

  • Thường có những điểm khác lạ về lai lịch, phẩm chất, tài năng, sức mạnh, …
  • Thường gắn với sự kiện lịch sử và có công lớn đối với cộng đồng.
  • Được cộng đồng truyền tụng, tôn thờ.

Cốt truyện truyền thuyết có những đặc điểm là:

  • Thường xoay quanh công trạng, kì tích của nhân vật mà cộng đồng truyền tụng, tôn thờ.
  • Thường sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh khác thường của nhân vật.
  • Cuối truyện thường gợi nhắc các dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại.

3. Nội dung

Truyền thuyết ca ngợi chiến công chinh phục tự nhiên, xây dựng nền văn hiến trong thời kì đầu dựng nước.

Truyền thuyết đề cao sự nghiệp giữ nước, chống ngoại xâm của dân tộc. VD: Thánh Gióng, An Dương Vương. Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Mai Thúc Loan…

Truyền thuyết phản ánh phong trào nông dân khởi nghĩa.

Truyện cổ tích

Giới thiệu về thể loại Truyện cổ tích

1. Khái niệm

 Truyện cổ tích là thể loại truyện kể dân gian, kết quả của trí tưởng tượng dân gian, xoay quanh cuộc đời, số phận của một số kiểu nhân vật.

Căn cứ vào phương thức phản ánh, truyện cổ tích được chia thành ba loại sau:

  • Cổ tích về loài vật
  • Cổ tích thần kì
  • Cổ tích sinh hoạt

2. Đặc trưng cơ bản

  • Truyện cổ tích xây dựng một thế giới hư cấu, kì ảo
  • Truyện cổ tích là những truyện kể đã hoàn tất, có cốt truyện hoàn chỉnh.
  • Truyện cổ tích có tính giáo huấn cao, mỗi câu chuyện là một bài học về đạo đức, ứng xử, về lẽ công bằng, thưởng phạt công minh.

3. Nội dung

  • Truyện cổ tích thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của người xưa đối với cuộc sống.
  • Truyện cổ tích nói lên ước mơ về một xã hội công bằng, tốt đẹp.

Truyện ngụ ngôn

Giới thiệu về thể loại Truyện ngụ ngôn

1. Khái niệm

Truyện ngụ ngôn là những truyện kể ngắn gọn, hàm súc, bằng văn xuôi hoặc văn vần.

2. Đặc trưng cơ bản

Đề tài trong truyện ngụ ngôn: thường là những vấn đề đạo đức hay những cách ứng xử trong cuộc sống. 

Nhân vật trong truyện ngụ ngôn có thể là loài vật, đồ vật hoặc con người. Các nhân vật hầu như không có tên riêng, thường được người kể chuyện gọi bằng danh từ chung như: rùa, thỏ, sói, cừu, cây sậy, thầy bói, bác nông dân, …Từ suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật ngụ ngôn, người nghe, người đọc có thể rút ra những bài học sâu sắc.

Cốt truyện của truyện ngụ ngôn thường xoay quanh một sự kiện (một hành vi ứng xử, một quan niệm, một nhận thức phiến diện, sai lầm, … ) nhằm đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.

Không gian trong truyện ngụ ngôn là khung cảnh, môi trường hoạt động của nhân vật ngụ ngôn, nơi xảy ra sự kiện, câu chuyện (một khu chợ, một giếng nước, một khu rừng …)

Thời gian trong truyện ngụ ngôn là một thời điểm, khoảnh khắc nào đó mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường không xác định cụ thể.

3. Nội dung

  • Truyện thường đưa ra bài học về cách nhìn sự việc, cách ưng xử của con người trong cuộc sống.

  • Ngụ ngôn dùng các bài học kinh nghiệm thực tiễn để giáo dục con người.

Truyện cười

Giới thiệu về thể loại Truyện cười

1. Khái niệm

Truyện cười là loại truyện kể những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống.

Căn cứ vào nội dung, có thể chia truyện cười thành hai loại: Truyện khôi hài (truyện hài hước) và Truyện trào phúng.

  • Truyện khôi hài chủ yếu được dùng để giải trí và giáo dục nhẹ nhàng.
  • Truyện trào phúng được dùng để châm biếm, đả kích thói xấu của một hạng người có mặt trong các thứ bậc xã hội.

2. Đặc trưng cơ bản

  • Truyện cười thường ngắn gọn, cốt truyện đơn giản, ít nhân vật.
  • Nhân vật, ngôn ngữ và các thủ pháp trào phúng trong truyện cười cũng có những điểm giống như trong hài kịch.
  • Bối cảnh của truyện cười thường là các tình huống mâu thuẫn giữa thật và giả, nội dung và hình thức, bên trong và bên ngoài,…; kết thúc truyện cười thường bất ngờ.

3. Nội dung

  • Mục đích của truyện cười là dùng cái cười để phê phán cái xấu, cái chưa hoàn thiện.
  • Nhận thức sâu sắc, nghiêm túc về con người và xã hội

Ca dao, dân ca

Giới thiệu về thể loại Ca dao, dân ca

1. Khái niệm

  • Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người.
  • Dân ca là những sáng tác kết hợp giữa lời và nhạc, tức những câu hát dân gian trong diễn xướng.
  • Ca dao là lời thơ của dân ca. Ca dao còn bao gồm những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ của dân ca. Khái niệm ca dao còn được dùng chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao.

2. Đặc trưng cơ bản

  • Ca dao là nơi bộc lộ xúc cảm, tình cảm, tư tưởng của quần chúng nhân dân lao động, là tiếng tơ đàn muôn điệu của tâm hồn quần chúng. Đó là tình cảm nảy sinh trong công việc lao động, trong quan hệ gia đình, cộng đồng, đặc biệt là quan hệ lứa đôi.
  • Về thể thơ: thể thơ được dùng phổ biến nhất trong ca dao là lục bát song thất, song thất lục bát, hỗn hợp tự do.
  • Thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của ca dao là so sánh, ẩn dụ, nhân hoá.

3. Nội dung

  • Phản ánh tình cảm gia đình và các mối quan hệ cộng đồng.
  • Diễn tả đời sống nội tâm của con người.

Tục ngữ

Giới thiệu về thể loại Tục ngữ

1. Khái niệm

  • Tục ngữ là một trong những thể loại sáng tác dân gian. Đó là những câu được sử dụng trong lời nói hằng ngày.

2. Đặc trưng cơ bản

  • Thường ngắn gọn (câu ngắn nhất gồm 4 chữ, câu dài có thể trên dưới 16 chữ)
  • Có nhịp điệu, hình ảnh.
  • Hầu hết đều có vần và thường là vần lưng. Vần lưng trong tục ngữ có thể được gieo ở hai tiếng liền nhau (gọi là “vần sát”) hoặc gieo ở hai tiếng cách nhau (gọi là “vần cách”)
  • Thường có hai vế trở lên. Các vế đối xứng nhau cả về hình thức lẫn nội dung.
  • Thường đa nghĩa nhờ sử dụng các biện pháp tu từ, nhất là tục ngữ về con người và xã hội.

3. Nội dung

  • Thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên, lao động sản xuất, con người và xã hội.

Câu đố

Giới thiệu về thể loại Câu đố

1. Khái niệm

  • Câu đố là thể loại văn vần dân gian có chức năng chủ yếu là phản ánh đặc điểm của sự vật, hiện tượng bằng phương pháp giấu tên và nghệ thuật lạ hoá, được dùng trong sinh hoạt tập thể nhằm thử tài suy đoán, kiểm tra sự hiểu biết của mọi người, đặc biệt là trẻ em, hoặc mua vui, giải trí.

2. Đặc trưng cơ bản

  • Thứ nhất, về mục đích sáng tác, câu đố được sáng tạo nhằm phát triển tư duy cho con người, đặc biệt là trẻ em.

  • Thứ hai, về hình thức thể hiện, câu đố sáng tạo ra một thế giới hình tượng ẩn dụ bằng việc sử dụng phép lạ hoá. Phép lạ hoá vốn là cách thức thể hiện hình tượng quen thuộc của thơ ca và văn chương nghệ thuật nhằm tạo ra chất lượng mới cho những gì được phản ánh, đó là hệ quả của việc sử dụng các biện pháp tu từ trong diễn đạt ngôn ngữ.

3. Nội dung

  • Cung cấp những tri thức thông thường về các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống (đặc điểm hình dáng, màu sắc, công dụng, tên gọi…)

  • Bóng gió đề cập đến những vấn đề thuộc về quan hệ xã hội của con người.

Đồng giao

Giới thiệu về thể loại Đồng giao

1. Khái niệm

  • Đồng dao là những câu hát dân gian có nội dung và hình thức phù hợp với trẻ em, được trẻ em hát lên lúc vui chơi, có thể do người lớn sáng tác nhưng cũng có thể do trẻ em sáng tác. Đồng dao còn được gọi là vè cho trẻ em.

2. Đặc trưng cơ bản

  • Đặc trưng nổi bật của đồng dao là gắn với hoạt động vui chơi của trẻ em, trẻ hát đồng dao trong sinh hoạt và trong khi chơi các trò chơi dân
  • Các câu hát của trẻ trong sinh hoạt hàng ngày thường là các câu vè (vè chim, vè cây, vè hoa, vè quả…) với thể thơ phổ biến là thơ bốn, năm chữ. Các câu vè liên kết chặt chẽ với nhau theo cặp, mỗi cặp gồm hai vế, tạo thành một kết cấu vững chắc.
  • Hát vòng tròn: đó là các bài hát không có phần kết do sự phối hợp vần giữa câu đầu và câu cuối, hát hết bài lại trở lại từ đầu (Chim ri là dì sáo sậu, Lúa ngô là cô đậu nành, Tập tầm vông, Con kiến mà leo cành đa…). Các bài ca vui chơi thường gắn với một trò chơi dân gian nào đó, có thể là các trò chơi vận động với các hình thức, luật chơi linh hoạt khác nhau (Rồng rắn lên mây, Thả đỉa ba ba, Rồng rồng rắn rắn, Câu ếch…), có thể là các trò chơi ít vận động hơn, với số lượng người tham gia ít hơn (Nu na nu nống, Xỉa cá mè đè cá chép, Kỉm kìm kim, Chi chi chành chành, Chuyền thẻ…).

3. Nội dung

  • Giáo dục phát triển thể lực, trí tuệ.
  • Củng cố tình bạn lẫn giáo dục ý thức.

Sử thi

Giới thiệu về thể loại Sử thi

1. Khái niệm

  • Sử thi (anh hùng ca) là thể loại tự sự dài, dung lượng đồ sộ, ra đời vào thời cổ đại. Cốt truyện sử thi xoay quanh những biến cố trọng đại liên quan đến vận mệnh của toàn thể cộng đồng như chiến tranh hay công cuộc chinh phục thiên nhiên để ổn định và mở rộng địa bàn cư trú.

2. Đặc trưng cơ bản

  • Nhân vật sử thi là người anh hùng đại diện cho sức mạnh, phẩm chất lí tưởng và khát vọng chung của cộng đồng. Không gian sử thi kì vĩ, cao rộng, mang tính cộng đồng, có thể bao quát cả thế giới thần linh và con người. Thời gian sử thi là quá khứ thiêng liêng, thuộc về một thời đại xa xưa được cộng đồng ngưỡng vọng

  • Lời kể trong sử thi thành kính, trang trọng; nhịp điệu chậm rãi; trần thuật tỉ mỉ, lặp đi lặp lại những từ ngữ khắc họa đặc điểm cố định của nhân vật, sự vật, thường xuyên sử dụng thủ pháp so sánh trùng điệp. Lời người kể chuyện và cả lời nhân vật nhiều khi mang tính khoa trương, cường điệu.

3. Nội dung

  • Sử thi không chỉ lưu dấu những biến cố quan trọng trong lịch sử của một cộng đồng, mà còn phản ánh diện mạo đời sống tinh thần, hệ giá trị, niềm tin của cộng đồng ấy. Nhiều chủ đề trong sử thi vẫn có ý nghĩa lớn đối với nhân loại.
  • Những tác phẩm sử thi như Ma-ha-bha-ra-ta, Ra-ma-ya-na (Ấn Độ); I-li-át, Ô-đi-xê (Hy Lạp); Đăm Săn (Việt Nam); … vẫn tiếp tục khơi nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tạo thuộc nhiều loại hình nghệ thuật đời sau.

Chèo

Giới thiệu về thể loại Chèo

1. Khái niệm

Chèo nguyên là một loại hình kịch dân gian, phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thường được diễn ở sân đình trong thời gian có các lễ hội. Về sau, chèo được chuyên nghiệp hóa dần với sự hình thành của các gánh chèo, đoàn chèo.

2. Đặc trưng cơ bản

  • Nghệ thuật chèo mang tính tổng hợp, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nói, hát, múa với sự hỗ trợ của các đạo cụ, nhạc khi dân tộc độc đáo, trên cơ sở một tích trò (còn gọi là tích truyện, chèo bản hay đơn giản là tích) có sẵn.

  • Tích trò là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất của vở chèo, làm điểm tựa cho toàn bộ hoạt động biểu diễn, tuy có tính ổn định nhưng vẫn để ngỏ khả năng thêm thắt, bổ sung cho diễn viên. Vì thế, một tích trò có nhiều dị bản là một sáng tạo mang tính tập thể. Tích trò của chèo dân gian (tích chèo) thường được xây dựng dựa vào truyện cổ tích hay truyện thơ Nôm.

  • Nhân vật của chèo không xa lạ với đời sống thường ngày của người dân lao động xưa, gồm nhiều hạng người trong xã hội, có địa vị, nghề nghiệp, giới tính, tuổi tác khác nhau. Xét theo tính cách, nhân vật chèo được phân thành hai loại chính: vai chín (tích cực) và vai lệch (tiêu cực). Mỗi loại nhân vật thường tự biểu hiện mình bằng một số làn điệu hát và động tác múa đặc trưng. Gây được ấn tượng mạnh nhất trong các vở chèo thường là những vai nữ, vai hề.

3. Nội dung

Thể hiện các đề tài sinh hoạt, đạo đức gần gũi với khán giả.

Tuồng

Giới thiệu về thể loại Tuồng

1. Khái niệm

Tuồng là một loại hình kịch hát cổ truyền của dân tộc, phát triển mạnh dưới triều Nguyễn ở vùng Nam Trung Bộ.

Tuồng có hai bộ phận tương đối khác biệt nhau là tuồng cung đình và tuồng dân gian.

2. Đặc trưng cơ bản

– Nghệ thuật tuồng mang tính tổng hợp, phối hợp cả văn học, ca nhạc và vũ đạo.

– Tích tuồng dân gian giàu yếu tố hài.

– Một tích tuồng thường có nhiều dị bản, do nó được bổ sung, nắn chỉnh thường xuyên trong quá trình biểu diễn, lưu truyền.

3. Nội dung

Châm biếm các thói hư tật xấu hay đả kích một số hạnh người nhất định trong xã hội.