Khái niệm

Văn học Dân Gian là gì?

Văn học dân gian chính là những sáng tác nghệ thuật ngôn từ truyền miệng do con người sáng tạo ra trong khi tham gia các sinh hoạt tập thể nhằm biểu đạt, ghi lại những tri thức, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm về cuộc sống xã hội và thiên nhiên, vũ trụ.

Đặc trưng

Các đặc trưng Văn học Dân Gian

1. Văn học dân gian là những sáng tác ngôn từ mang tính tập thể – truyền miệng.

– Tính tập thể: Văn học dân gian là sản phẩm sáng tạo của nhiều người, thuộc nhiều thế hệ qua những thời gian và không gian khác nhau.

  • Về nội dung, một tác phẩm Văn học dân gian phải phản ánh được nhiều nét sinh hoạt, tình cảm, nguyện vọng và mơ ước, cách nhìn nhận về cuộc đời và con người của đông đảo quần chúng nhân dân lao động.
  • Về hình thức, tác phẩm ấy phải kết tinh được thị hiếu thẩm mĩ, tài năng sáng tạo của quần chúng nhân dân thuộc về một dân tộc nhất định và với tư cách như một chỉnh thể có chung điều kiện sinh hoạt, lao động, tranh đấu và sáng tạo nghệ thuật.

– Tính truyền miệng: Văn học dân gian ra đời khi chưa có chữ viết nên được xem là một loại hình nghệ thuật diễn xướng.

– Tính dị bản: Do tính tập thể và tính truyền miệng quy định nên văn học dân gian có nhiều dị bản. VD: truyện “Tấm Cám”, bài cao dao “Công cha như núi ngất trời”.

2. Tính nguyên hợp của Văn học dân gian

– Văn học dân gian là một loại hình nghệ thuật nguyên hợp cả về nội dung lẫn hình thức phản ánh nên văn học dân gian không chỉ là một hiện tượng văn học mà còn là một hiện tượng văn hoá.

– Về nội dung, tác phẩm văn học dân gian phản ánh nhiều phương diện khác nhau của đời sống vật chất và tinh thần trong xã hội, do vậy nó vừa thực hiện chức năng của văn học (thẩm mĩ), của sử học (phản ánh lịch sử), của dân tộc học (phong tục, tập quán, tôn giáo), của triết học, tâm lí học…nghĩa là cùng một lúc tổng kết các tri thức của nhân dân thuộc nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác nhau trong dạng thức còn chưa phân chia tách bạch (nghĩa là trong trạng thái nguyên hợp). Văn học dân gian gắn với tôn giáo khi nó được dùng như một phương tiện thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa.

– VD: các vị Thần trong thần thoại là biểu hiện của thế giới quan thần linh.

– Về hình thức, khác với tác phẩm văn học viết chỉ được diễn đạt bằng phương tiện ngôn ngữ, tác phẩm văn học dân gian, ngoài việc sử dụng phương tiện chính là ngôn ngữ, còn sử dụng thêm vài phương tiện khác nữa như âm nhạc, vũ điệu, động tác.

3. Tính quốc tế và tính dân tộc

– Tính quốc tế: Văn học dân gian các dân tộc trên thế giới có những điểm chung. Đều sử dụng mô típ “Vật thần kì đem lại hạnh phúc”…

– Tính dân tộc: Văn học dân gian của dân tộc nào in đậm bản sắc văn hóa của dân tộc đó.

– Ví dụ: thần Dớt trong thần thoại Hy lạp; Thần trụ trời, thần sông thần biển của Việt Nam.

Phân biệt

Phân loại văn học Dân Gian

* Xét về phương thức biểu diễn (hay hình thức diễn xướng), có thể chia Văn học dân gian thành bốn loại hình:

a. Loại hình nói (luận lí): tục ngữ, câu đố.

b. Loại hình kể (tự sự): các loại truyện kể dân gian như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười.

c. Loại hình hát: ca dao, đồng dao, hát ru.

d. Loại hình diễn: tuồng, chèo, cải lương, múa rối.

* Xét về phương diện thể loại, có thể chia Văn học dân gian thành ba thể loại:

a. Truyện cổ dân gian: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười.

b. Thơ ca dân gian: ca dao, tục ngữ, câu đố, hát ru, đồng dao.

c. Sân khấu dân gian: chèo, tuồng, cải lương, múa rối.

Hệ thống phân loại trên về cơ bản có thể áp dụng chung cho cả VHDG của người Việt cũng như của các dân tộc thiểu số khác, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số biệt loại – tức những thể loại độc đáo có mặt trong kho tàng VHDG của một dân tộc nào đó. Đó là sử thi, hay trường ca như Đẻ đất đẻ nước của người Mường, Đam San của người Ê Đê, Sing Nhã của người Gia Rai; hoặc truyện thơ như Tiễn dặn người yêu của dân tộc Thái.

Giá trị

Giá trị của văn học Dân Gian

– Văn học dân gian chính là bộ “Bách khoa toàn thư” vĩ đại của mỗi dân tộc và của cả nhân loại, là nơi kết tinh những tri thức khoa học, tài năng nghệ thuật, tư tưởng tình cảm của nhân dân.

– Văn học dân gian là nguồn cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn để vận dụng vào quá trình lao động chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội, thiết lập quan hệ giữa con người với con người. Đồng thời Văn học dân gian còn đúc kết các quan điểm thẩm mĩ, đạo đức, các quan niệm ứng xử, những khát vọng cùng lí tưởng sống của nhân dân lao động.

– Văn học dân gian giúp cho người đời sau nhận thức được bề dày lịch sử, truyền thống văn hoá, cốt cách và vẻ đẹp tinh thần của dân tộc mình, từ đó biết phát huy thế mạnh quá khứ, lí giải hiện tại và dự đoán tương lai.

– Văn học dân gian lại là thế giới của tượng và ước mơ, là sản phẩm của tâm hồn và trí tuệ ngây thơ của nhân loại. Các bài học giáo dục đạo đức, nhân cách đã được đúc kết trong Văn học dân gian chưa bao giờ cũ so với mọi thời đại, bởi vì chúng luôn được khái quát từ triết lí của tình thương.